Văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp là các mối quan hệ ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các đồng nghiệp với nhau, giữa con người với công việc được xây dựng trên những giá trị và mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp có văn hóa ứng xử riêng, mang đặc điểm riêng, phù hợp với văn hóa ứng xử của cộng đồng. Văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp là một trong những nhân tố góp phần tạo nên hình ảnh doanh nghiệp được thể hiện thông qua cách ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các đồng nghiệp với nhau, có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả công việc và sự thành công của doanh nghiệp. Văn hóa ứng xử là một phần của văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng, củng cố các mối quan hệ trong doanh nghiệp, chính là cách xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Người lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và hình thành văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp. Họ phải biết phát hiện tài năng, tuyển chọn và sử dụng nhân viên “dụng nhân như dụng mộc” như người xưa đã nói, đưa ra chế độ trả lương, thưởng – phạt công minh, biết cách thu phục nhân viên, lắng nghe, tiếp nhận thông tin phản hồi từ nhân viên, biết giải quyết mâu thuẫn, xung đột nội bộ có hiệu quả.
Xây dựng thái độ cởi mở, hợp tác với nhau giữa các cấp và các thành viên trong doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện, không thể chỉ là những câu nói, cử chỉ mang tính xã giao, mà phải dựa trên sự hợp tác, thúc đẩy cùng hướng tới mục tiêu chung. Năng động, có khả năng tư duy độc lập, có kinh nghiệm…vẫn chưa đủ tạo nên tác phong làm việc chuyên nghiệp mà còn phải biết hợp tác, phối hợp chặt chẽ với cá nhân và đơn vị liên quan và phương pháp làm việc theo nhóm mới tạo nên hiệu quả công việc. Vì vậy, khi và chỉ khi có thái độ cởi mở, chia sẻ thông tin cho nhau, thẳng thắn góp ý và tiếp nhận ý kiến phản hồi của nhau…doanh nghiệp mới xây dựng được các mối quan hệ tin cậy trong nội bộ.
No comments:
Post a Comment