GS Ngô Bảo Châu
Về Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn với lịch làm việc dày đặc, buổi trò chuyện của GS Ngô Bảo Châu chỉ diễn ra trong vòng 2 giờ. Vẫn một phong cách giản dị, cách nói nhẹ nhàng, khúc chiết đi thẳng vào vấn đề, vị giáo sư - tác giả của "một trong 10 phát kiến khoa học quan trọng nhất năm 2009" do tạp chí Time bình chọn - chia sẻ về cách học, cách nghiên cứu và con đường đi tới thành công của mình.
Tiếp chuyện GS Ngô Bảo Châu là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cùng hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên chức theo dõi tại hội trường và qua hệ thống cầu truyền hình từ xa.
“Vấn đề đào tạo nhân lực, nuôi dưỡng nguyên khí của Viettel là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của lãnh đạo Tập đoàn”, ông Hùng khẳng định.
Câu chuyện đầu tiên vị giáo sư chia sẻ là sự kiên trì trên con đường chinh phục những đỉnh cao tri thức.
“Việc chinh phục một đỉnh cao tri thức cũng như việc leo lên đỉnh một dãy núi lớn. Nếu cứ đứng từ xa nhìn lại sẽ thấy dãy núi đó thật đồ sộ, thậm chí gây cảm giác sợ hãi và không thể lên đỉnh được. Ngọn núi đầu tiên bao giờ cũng là ngọn núi khó khăn nhất. Nếu vượt qua được ngọn núi này, ta sẽ có sự tự tin vào bản thân để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao tiếp theo”, GS Ngô Bảo Châu nói.
Trân trọng khi nói về người thầy của mình (GS Gerard Laumon), GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: Nếu không được học ở nước ngoài, có thể anh không đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.
"Người thầy sẽ cầm tay dẫn dắt bạn đến chân núi, chỉ cho bạn những con đường nào sẽ đi lên đỉnh, con đường nào không. Sau đó bạn sẽ phải tự trèo lên. Người thầy sẽ dẫn dắt bạn chứ không lên đỉnh cao cùng bạn", GS Châu nói.
Ở giai đoạn "cầm tay dắt đi", vị giáo sư người Pháp đã yêu cầu Ngô Bảo Châu hàng tối đến nhà mình, cùng đọc 2 trang sách. Liên tục trong 20 ngày, hai thầy trò chỉ đọc được 40 trang sách.
"Đó là giai đoạn quan trọng để một nhà nghiên cứu chọn được ngọn núi xứng đáng để chinh phục", GS Châu khẳng định.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng tâm đắc với cách học "mỗi ngày 2 trang sách" của 2 vị giáo sư.
"Chỉ 40 trang sách, nhưng đọc và thấu hiểu được thì còn hơn đọc trăm vạn quyển sách khác. Học để hiểu, hiểu để vận dụng cũng là cách học của Viettel. Nay đã có minh chứng sống là GS Ngô Bảo Châu nên chúng ta càng phải áp dụng mạnh mẽ", vị đại diện Tập đoàn Viettel nhấn mạnh.
Và với quan điểm "tìm núi để leo", Phó TGĐ Tập đoàn Viettel cũng chỉ ra điểm chung thú vị: "Ở Viettel, chỉ riêng việc hỏi đúng vấn đề đã được đánh giá là giải quyết được tới 70% công việc rồi. Việc đặt câu hỏi thậm chí còn quan trọng hơn cả việc trả lời vì chỉ khi những người có trăn trở với tồn tại, nghiên cứu kỹ lưỡng mâu thuẫn thì mới đặt được câu hỏi tường minh".
Trong buổi nói chuyện, GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ về những lần thất bại và vượt qua thất bại của mình. Trong cuộc sống, vị giáo sư hàng đầu thế giới về toán học này cũng có những lúc bị thi trượt, bị từ chối đơn xin việc vài lần. Trong quá trình nghiên cứu, hàng nghìn lần giả định, tìm hướng đi, tìm công cụ giải phần nhiều là thất bại, và chỉ có sự kiên định mới có thể giúp nhà khoa học đi đến cái đích cuối cùng.
"Điểm mấu chốt là cách đánh giá, nhìn nhận về sự thất bại. Đó chính là lúc tốt nhất để mỗi con người có thể tự đánh giá, nhìn nhận lại mình để vượt qua. Con người có khả năng bao biện vô biên, và nếu tự vượt qua được sự bao biện cho thất bại thì bạn mới có thể thành công", GS Châu chia sẻ.
Chủ nhân của Giải thưởng Fields cho biết, ông may mắn vì toán học đã giúp ông nhiều lợi thế: "Thứ nhất, người học toán sẽ rất tốt cho việc phân tích và tổng hợp vấn đề. Đó là điều quan trọng, bởi chỉ khi anh xác định được câu hỏi thì mới có thể đi tìm câu trả lời. Thứ hai, toán học - với sự logic vốn có - sẽ giúp con người tránh được những ngộ nhận. Trong cuộc sống, chính những ngộ nhận sẽ dẫn đến sai lầm. Thứ ba, học toán giúp con người ta tránh được sự ngụy biện. Sự ngụy biện ở đây được hiểu như sự tranh luận không nhằm vì đạt tới chân lý mà chỉ đơn thuần là việc anh sai - tôi đúng".
Theo GS Ngô Bảo Châu, chính việc trăn trở, tìm tòi để vượt qua thất bại mới là hạnh phúc đích thực, giây phút thành đạt chỉ là khoảnh khắc thăng hoa. Đó cũng là lý do tại sao sau mỗi thành công, anh lại bắt tay vào tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mới của toán học và "lại học như sinh viên, dù có thể bây giờ mình học nhanh hơn 1 chút" - theo lời của giáo sư Châu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ về nhận thức "trưởng thành qua những thách thức và thất bại" của Viettel: "Chỉ khi thất bại, anh thực sự cô đơn và khi đó anh mới có thời gian để suy ngẫm lại bản thân mình. Đó chính là lúc anh có thể hiểu mình hơn, hiểu vấn đề hơn".
Câu chuyện thứ 3 chính là thuyết Không để lại dấu vết của chính GS Ngô Bảo Châu.
"Đó chính là sự trăn trở về những thành quả của mình làm ra trong cuộc sống này sẽ được những lớp người kế tiếp sử dụng được, ứng dụng được. Khi những thứ mình để lại hòa vào cuộc sống, hòa vào tự nhiên thì đó chính là không còn dấu vết", vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam khúc chiết.
Đơn cử như thành tựu lớn nhất hiện nay của GS Ngô Bảo Châu, việc chứng minh hoàn chỉnh Bổ đề cơ bản trong Chương trình toán học Langlands mặc dù chỉ là khâu mang tính chất kỹ thuật trong toán học, nhưng nó khẳng định tính đúng đắn của hàng loạt lý thuyết và định lý toán học sau đó.
"Robert Langlands là một thiên tài. Ông có khả năng tiên tri những công thức đó phải đúng. Có những công trình toán học lớn, phức tạp dựa trên lý thuyết toán học của ông. Tuy nhiên, nếu không chứng minh được lý thuyết của Langlands là đúng hoàn chỉnh, toàn bộ công sức của những công trình kia bị đổ xuống sông xuống biển", GS Châu nhận xét.
Đó cũng là lý do mà Peter Sarnak, chuyên gia về lý thuyết số học của Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, đã nói về công trình của Bảo Châu: "Giống như chuyện có những người làm việc ở tít bên kia sông đợi ai đó ở bờ đối diện bắc cho cây cầu. Rồi giờ đây, cây cầu được bắc, toàn bộ công sức của họ được công nhận".
Sau hơn 2 giờ chia sẻ với Viettel về cách dạy và học để đi tới thành công, GS Ngô Bảo Châu chia tay để chuẩn bị cho chuyến bay về Mỹ ngay buổi chiều.
Trước khi lên đường, Giáo sư vẫn dành thời gian để ký tặng và chụp hình lưu niệm cùng tập thể cán bộ trẻ của Viettel. Vẫn nụ cười hiền khô, ít ai có thể ngờ được GS Ngô Bảo Châu giản dị như một thầy giáo trẻ đây lại là một trong những nhà toán học bậc nhất, được cả thế giới vinh danh.
Nguồn Xã Luận
No comments:
Post a Comment