11 August, 2016

Vì sao Google tìm đến Thiền sư người Việt Thích Nhất Hạnh?

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, trong đó có Google, dành sự quan tâm đặc biệt đối với một vị Thiền sư Phật giáo người Việt đã 87 tuổi.
Vì sao Google tìm đến Thiền sư người Việt Thích Nhất Hạnh? (P1)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: The Guardian.
Câu trả lời là tất cả các tập đoàn này đều mong muốn tìm hiểu: Làm thế nào những lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (thường được hàng trăm ngàn đệ tử trên khắp thế giới gọi một cách thương kính là Thầy) có thể giúp cho tổ chức của họ có thể hoạt động một cách hiệu quả hơn và mang lại nhiều hạnh phúc hơn.

Thầy Thích Nhất Hạnh được mời hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm tại trụ sở chính của Google tại California vào cuối tháng 9/2013. Đây là một dấu hiệu cho thấy việc thực tập chánh niệm đang bắt đầu trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay.
Thầy Thích Nhất Hạnh, tác giả của hơn 2 triệu cuốn sách được bán ra ở Mỹ đã có một buổi gặp gỡ với hơn 20 Giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn công nghệ có trụ sở ở Mỹ tại Silicon Valley để chia sẻ tuệ giác của Thầy về nghệ thuật an trú trong hiện tại.
Trong buổi gặp gỡ này, Thầy thảo luận với các Giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghệ về cách thức làm thế nào để họ có được một sự hiểu biết sâu sắc về bản chất gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi người và mọi loài.

Với hiểu biết đó, họ có thể hiến tặng những công cụ thực tiễn để đưa sự thực tập chánh niệm trở thành một phần thiết yếu trong công việc hàng ngày của họ, trong những sản phẩm mà họ chế tạo ra cũng như trong chiến lược mà họ vạch định để khoa học công nghệ có thể mang lại sự thay đổi cho thế giới này.
Buổi gặp gỡ này sẽ kết thúc bằng việc thực tập thiền hành.
Những nỗ lực của Thầy trong hơn 50 năm qua đã được nhiều nhà lãnh đạo thế giới ghi nhận. Giám đốc Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim đã nói rằng phương pháp thực tập của Thầy Nhất Hạnh là phương pháp "giúp cho chúng ta có thể cảm thông và thương yêu một cách sâu sắc đối với những người đang khổ đau".
Thầy Nhất Hạnh xuất gia đã được 71 năm. Mặc dù tuổi đã cao, Thầy vẫn liên tục đi hoằng pháp khắp nơi trên thế giới.

Tăng thân xuất sĩ của Thầy Nhất Hạnh được đánh giá là tăng thân có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Vé tham dự những khóa tu do Thầy hướng dẫn trong 1 tuần tại Toronto, Canada hay tại New York, Mississippi và California - mỗi khóa tu đều có hơn 1.000 tham dự - đều được bán hết chỉ trong vài ngày.



Các kỹ sư Google trao đổi và thực hành thiền.
Nền kinh tế chạy theo ham muốn

Thầy Nhất Hạnh cảnh báo rằng nền văn minh của chúng ta đang có nguy cơ sụp đổ trước những thiệt hại nghiêm trọng về xã hội cũng như môi trường sinh thái do nền kinh tế chạy theo ham muốn gây nên.
Thầy cũng đồng thời chỉ ra cho chúng ta một hướng đi mới, đó là xây dựng một nền kinh tế lấy hạnh phúc chân thực làm mục tiêu, thay vì hy sinh hạnh phúc của mình để thờ phụng chủ nghĩa vật chất như bấy lâu nay chúng ta vẫn làm.

Những lời dạy của Thầy tập trung chủ yếu vào sự thực tập chuyển hóa khổ đau bằng cách buông bỏ những ưu sầu của quá khứ cũng như những lo lắng về tương lai, thông qua thiền định và nếp sống chánh niệm.

Thầy đã chỉ ra rằng tình trạng đam mê tiêu thụ hiện nay là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang cố gắng khỏa lấp khổ đau trong chính mình. Và Thầy đề nghị chúng ta nên đi theo hướng ngược lại, đó là trở về để tiếp xúc trực tiếp với nỗi khổ, niềm đau trong ta để có thể vượt thoát những khổ đau đó.

Thầy cho rằng để các doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chặn lại con tàu tư bản đang chạy trật đường ray thì trước tiên các nhà lãnh đạo tập đoàn cần phải nhận ra sai lầm căn bản của mình, đó là cách tư duy hạn hẹp, lấy lợi nhuận làm thước đo duy nhất cho sự thành công của tập đoàn.

Cần có sự thay đổi căn bản trong nhận thức của các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cần phải trải qua một quá trình chuyển đổi căn bản về nhận thức. Họ cần phải nhận ra tầm quan trọng của việc đưa những giá trị tâm linh vào trong đời sống hàng ngày.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian vào cuối khóa tu tại Catskill Mountains về nghệ thuật chuyển hóa khổ đau, Thầy cho biết: "Chúng ta cần phải xem lại quan niệm của chúng ta về hạnh phúc".
Chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có được khi nào chúng ta giành thắng lợi, khi chúng ta giành được vị trí đứng đầu. Tuy nhiên, sự thực thì không cần thiết phải như vậy. Bởi vì ngay cả khi chúng ta kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta vẫn khổ đau như thường.
"Chúng ta cạnh tranh bởi vì chúng ta không hạnh phúc. Thiền tập có thể giúp cho chúng ta bớt khổ hơn", Thầy Thích Nhất Hạnh nói.

Cũng vậy, theo Thầy, "nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi nào chúng ta vượt lên trên những người khác, khi nào chúng ta trở thành nhân vật số một. Sự thực là chúng ta không cần phải trở thành 'number one' mới có thể hạnh phúc".

Vì vậy, "Cần phải có một hướng đi tâm linh trong đời sống cũng như trong công việc kinh doanh, nếu không chúng ta không thể nào có thể xử lý những khổ đau do công việc và đời sống hàng ngày tạo ra".
Tâm huyết của Mục sư Martin Luther King
Một trong những điều tâm huyết của Mục sư Luther King là xây dựng những cộng đồng, những đoàn thể sống hạnh phúc mà ông gọi là Beloved Community (tạm dịch là Tăng thân yêu quý).

Cũng với mong ước đó, Thầy Nhất Hạnh đã dành hết tâm lực của mình cho việc xây dựng hơn một ngàn tăng thân cư sĩ trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, liệu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo ra một sự thay đổi tích cực hơn thông qua việc xây dựng tinh thần tăng thân, xây dựng văn hóa tập thể trong doanh nghiệp của mình?

Chính niệm và thiền tập tại công sở

Thầy Nhất Hạnh cho rằng phương pháp thực tập chính niệm và thiền tập nếu được áp dụng vào các doanh nghiệp sẽ giúp cho họ thay đổi được cách sống, cách làm việc có tính tiêu cực, đồng thời giúp họ nhận ra được bản chất tương tức và phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi người và mọi loài.
"Thiền tập có thể giúp cho các thành viên trong doanh nghiệp vơi bớt khổ đau," Thầy nói. "Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ hữu ích rồi, bởi vì nếu nhân viên của một doanh nghiệp có đủ hạnh phúc thì doanh nghiệp đó sẽ làm ăn hiệu quả hơn".
"Trong trường hợp công ty của anh đang có những hoạt động gây tổn hại môi trường, và bởi vì anh đã thực tập thiền nên anh có thể có được một cái thấy, cái thấy này sẽ giúp anh tìm ra cách thức điều hành công ty của mình theo hướng làm giảm nhẹ những tổn hại đối với môi trường.

"Thiền tập có tác dụng làm lắng dịu nỗi khổ, niềm đau trong ta, đồng thời mang lại cho ta nhiều tuệ giác và một cái thấy chân thực (chính kiến) về chính bản thân mình và về thế giới. Và nếu ta có được tuệ giác của một tập thể thì chắc chắn là ta sẽ tổ chức và điều hành hoạt động của doanh nghiệp mình theo hướng làm cho thế giới này vơi bớt khổ đau".
Theo Thầy, đem chính niệm vào công sở, vào các doanh nghiệp còn có tác dụng giúp cho các nhân viên tránh được tình trạng bị quá tải bởi công việc, tuy nhiên để làm được điều này thì các chủ doanh nghiệp, các giám đốc công ty cần phải làm gương trước.

"Tìm kiếm trong tự thân" (Search Inside Yourself).
Lãnh đạo doanh nghiệp phải biết chăm sóc chính mình trước tiên
Thầy cho rằng nhiều lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn đã bắt đầu đề cập đến tầm quan trọng của sự phát triển bền vững, tuy nhiên rất ít người trong số đó thấy được mối liên hệ giữa sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp với văn hóa bên trong của doanh nghiệp mà họ đang điều hành.

"Nếu người giám đốc doanh nghiệp dành toàn bộ thời gian của mình cho công việc của doanh nghiệp, người đó sẽ không còn thời gian để chăm sóc cho chính mình hay cho gia đình của mình. Người giám đốc đó cần phải nhận ra rằng doanh nghiệp của mình sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu người đó trở nên lắng dịu, tươi mát hơn, có khả năng cảm thông và thương yêu nhiều hơn", Thầy nói.
Trong điều kiện hiện nay khi mà máy tính trở nên quá phổ biến và tiện dụng với tốc độ xử lý ngày càng nhanh thì các giám đốc doanh nghiệp lại càng khó có được thời gian cho riêng mình, thời gian để nhìn lại bản thân và tìm niềm cảm hứng cho cuộc đời mình.

Sức mạnh của Vô tác

Thầy chia sẻ về tầm quan trọng của sự thực tập vô tác (aimlessness), tức là không chờ đợi kết quả, không mong cầu gì hết khi hành động, không có đối tượng gì để chạy theo. Thông thường chúng ta hay có thói quen chạy theo hết dự án này đến dự án khác, không ngừng nghỉ.

"Chúng ta thường cho rằng hạnh phúc nằm ở tương lai, vì vậy sự thực tập vô tác là dừng lại, không đuổi theo một đối tượng nào nữa cả và tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây", Thầy nói.

"Hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có bình an. Nếu ta cứ mãi đuổi theo một đối tượng nào đó thì làm sao ta có thể có bình an. Ta cứ chạy hoài, chạy mãi, ngay cả trong giấc mơ chúng ta vẫn còn chạy. Đó là thực trạng của nền văn minh chúng ta".

Chúng ta phải đi ngược lại xu hướng này. Chúng ta phải trở về với chính mình, trở về với những người thân yêu, trở về với thiên nhiên.
Lâu nay chúng ta để cho các thiết bị điện tử kéo chúng ta ra khỏi chính mình. Chúng ta đánh mất mình trong Internet, trong các dự án, các kế hoạch kinh doanh, vì vậy mà chúng ta không có thời gian cho chính mình.
Chúng ta không có thời gian để chăm sóc những người mà ta thương yêu và cũng đồng thời không để cho Đất Mẹ có cơ hội trị liệu cho chúng ta. Chúng ta luôn có xu hướng trốn chạy khỏi chính mình, khỏi gia đình và khỏi thiên nhiên xung quanh.

Hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều khó nói ra những áp lực mà họ đang phải gánh chịu. Tuy nhiên gần đây một số giám đốc điều hành của những tập đoàn nổi tiếng đã can đảm chia sẻ với công chúng về những áp lực trong công việc của mình, tương tự như những lo ngại mà Thầy Nhất Hạnh đã nói ra.

Từ chức một vài tháng trước khi tập đoàn của mình bị phá sản, Erin Callan, cựu Giám đốc Tài chính của tập đoàn Lehman Brothers, đã can đảm viết lại những trải nghiệm của mình khi bị công việc lôi kéo hoàn toàn và chia sẻ điều đó với công chúng vào đầu năm nay.

"Khi quyết định nghỉ việc ở Công ty, tôi cảm thấy suy sụp và buồn khổ vô cùng", Erin Callan chia sẻ trên tờ New York Times. "Tôi không thể nào lấy lại sức lực và đi tiếp được nữa. Tôi không biết phải dựa vào đâu để khẳng định chính mình nếu không có công việc".
"Vào ngày nghỉ cuối tuần, nếu không phải làm thêm việc của Công ty thì tôi cũng dành thời gian để sạc lại năng lượng cho một tuần làm việc kế tiếp. Nói chung, đối với tôi lúc đó, công việc luôn chiếm vị trí ưu tiên số 1, trên cả gia đình, bạn bè và cả việc hôn nhân - chuyện hôn nhân của tôi cũng chỉ kéo dài được một vài năm", ông nói.
Bản chất lưỡng nguyên của công nghệ

Mặc dù lo ngại về những tác dụng tiêu cực của công nghệ, Thầy vẫn nhận thấy bản chất lưỡng nguyên của công nghệ, nghĩa là bên cạnh những tác dụng tiêu cực, công nghệ cũng có tác dụng rất hữu ích.
Đó là lý do vì sao trong cuộc gặp gỡ, Thầy sẽ kêu gọi các Giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghệ tập trung phát triển các phần mềm ứng dụng và những thiết bị công nghệ khác để giúp đưa mọi người trở về với một cuộc sống cân bằng.

"Chúng ta cần phải có sự tỉnh thức. Khi nói chuyện với Google và các tập đoàn công nghệ khác, tôi sẽ đề nghị họ sử dụng trí tuệ và thiện chí của mình để tạo ra những phương tiện, những công cụ có khả năng giúp cho mọi người trở về với chính mình, để trị liệu cho chính mình".
Thầy nói, "Chúng ta không loại trừ hay vứt bỏ tất cả các thiết bị công nghệ này, mà chúng ta có thể hoàn toàn tận dụng được những tiến bộ của công nghệ".
Thầy gợi ý về việc phát triển những phần mềm ứng dụng có khả năng giúp mọi người lắng dịu cơn giận khi nó phát khởi.
Thầy cũng đề cập đến loại đồng hồ Now Watch được Thầy thiết kế với mục đích giúp mọi người trở về với phút giây hiện tại: Trên mặt đồng hồ, mỗi giờ được đánh dấu bằng chữ "Now" (nghĩa là Bây giờ) thay vì số giờ như thông thường.
Google đã mời Thầy chia sẻ về những nội dung như: xây dựng mục tiêu trong công việc, sự sáng tạo và tuệ giác. Thầy nói rằng chúng ta đều có thể đạt được những điều này thông qua sự thực tập chính niệm.

Thầy đã được mời đến thăm tập đoàn Google vào năm 2011 và kể từ đó, sự thực tập chính niệm đã được áp dụng nhanh chóng tại tập đoàn công nghệ hàng đầu này.
Số lượng người tham gia vào chương trình "Tìm kiếm trong tự thân" (Search Inside Yourself) - chương trình thiền tập chính thức của Google - ngày càng tăng. Các phòng dành cho thiền tập cũng đã được thiết kế bên trong nhiều tòa nhà làm việc của Google.
Thầy nói rằng: "Cũng như mọi người, các nhân viên của Google cũng mong muốn học hỏi cách thức chuyển hóa khổ đau của chính mình".

"Đa số các nhân viên ở đây đều còn rất trẻ và tài năng, vì vậy mà họ có thể hiểu và thực tập những điều Thầy dạy một cách nhanh chóng. Họ còn có đủ phương tiện để đem sự thực tập này đến được với rất nhiều người."

"Sẽ rất hữu ích nếu họ biết rằng ai trong chúng ta cũng có ước mong làm những điều đẹp và lành, bởi vì mỗi người trong chúng ta đều có tính Bụt", Thầy nói.
Khi nhìn vào con đường bất thiện, không chân chính, chúng ta có thể tìm thấy trong đó một con đường ngược lại. Cũng như nhìn vào khổ đau, chúng ta sẽ thấy được con đường đưa tới hạnh phúc.
Đây là giáo lý Tứ Diệu Đế trong đạo Bụt, nhưng chúng ta không cần phải là một Phật tử mới có thể hiểu được điều đó.

"Xã hội của chúng ta đang cần một sự tỉnh thức tập thể để có thể cứu chúng ta ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Vì vậy chúng ta cần phải thực tập để chế tác năng lượng tỉnh thức trong từng bước chân và từng hơi thở. Nếu ta có được sự tỉnh thức thì cũng có nghĩa là ta đang đi trên con đường hạnh phúc, ta có thể chuyển hóa được khổ đau trong ta. Và khi đó ta có thể giúp những người khác làm được tương tự".
*Bài viết được Sư cô Tại Nghiêm chuyển ngữ từ bài viết "Google seeks out wisdom of Zen Master Thich Nhat Hanh" của tác giả Jo Confino đăng trên tờ The Guardian.
Xem thêm:

Bài phỏng vấn thiền sư Thích Nhất Hạnh chấn động phương Tây: Đức Phật là người hạnh phúc

No comments: