“Đối diện với mỗi việc lớn cần phải “tĩnh khí””, đây là câu nói mà thầy giáo của hai vị Hoàng đế cuối đời nhà Thanh đã dạy bảo học trò của mình.
Ông cho rằng: Từ xưa đến nay, các bậc thánh nhân, càng gặp phải những việc lớn kinh thiên động địa, việc nguy hiểm thì càng có thể tĩnh tâm như nước, không hề sợ hãi. Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn nhất định phải là người có “tĩnh khí”.
Thế nào được gọi là “tĩnh khí”? Núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không biến đổi. Nói đơn giản hơn, “tĩnh khí” chính là có thể “bảo trì sự bình thản”. Trận chiến Phì Thủy (Phì thủy chi chiến) lừng danh trong lịch sử, quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn binh sĩ phải chống cự lại 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần, tình thế không thể nói là không nguy kịch. Nhưng lúc này, tại sở chỉ huy hậu phương, chủ soái Tạ An vẫn đang chơi cờ vây mà không một chút hoang mang. Đợi đến lúc quân tiền tuyến báo về, ông chỉ nhìn thoáng qua rồi lại tiếp tục chơi cờ. Người bên cạnh thực sự đã không thể nhịn được nữa, liền hỏi ông tình hình chiến sự ra sao, lúc này Tạ An mới nhẹ nhàng nói: “Bọn trẻ chúng đã đánh bại quân địch rồi”.
“Tĩnh khí” của một người đến từ đâu? Nó không phải là sinh ra đã có, nó cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó đòi hỏi phải không ngừng rèn luyện và tích lũy mà thành.
Có một số người khi gặp việc lớn lại rất hoảng sợ, đó là vì họ không đủ tự tin, cũng chính là không có năng lực và bản lĩnh kiểm soát đại sự. Tục ngữ có câu “thủ trung hữu lương, tâm trung bất hoảng” (trong tay có lương thực rồi thì trong tâm không phải lo lắng). Sách vở chính là món ăn tinh thần, thông qua đọc sách, chúng ta có thể hấp thụ kiến thức của những người đi trước, tăng trưởng năng lực, vượt qua sợ hãi. Vì vậy, càng là người học rộng thì tầm nhìn của họ càng khoáng đạt và đầu óc càng thanh tỉnh. Còn muốn thiện dưỡng chính khí, Gia Cát Lượng đã viết trong “giới tử thư” (thư dạy con): “Làm theo đạo của người quân tử, tu thân thanh tịnh, cần kiệm để dưỡng đức, đạm bạc để nuôi dưỡng chí, tĩnh lặng để nghĩ xa.”
Tĩnh khí cần dựa vào sự hỗ trợ của chính khí, chỉ có chính khí trong thân mới có thể không màng danh lợi, không tham muốn, mới có thể không bị vướng mắc phiền toái và làm được “không quan tâm thiệt hơn”.
Người dịch: Mai Trà (daikynguyenvn.com)
No comments:
Post a Comment